Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng một cách chóng mặt, kéo theo đó là những hệ lụy liên quan tới môi trường thì việc những doanh nghiệp chuyển hướng digital marketing theo hình thức GREEN là một bước đi khôn ngoan và khá mới mẻ hiện nay.
Tháng 6 vừa qua, KML – hãng hàng không của Hà lan đã tung ra đoạn video “Fly Responsibly” (Bay có trách nhiệm) với các câu hỏi để khách hàng cân nhắc kỹ trước các quyết định “bay”, giảm bớt việc di chuyển bằng máy bay.
Điều này có vẻ kỳ lạ bởi với bất kỳ dịch vụ di chuyển nào thì hành khách là đối tượng chính mang lại doanh thu.
Thực chất, KML không từ chối khách hàng, nhưng mong muốn khách hàng cũng như hãng hàng không đều có trách nhiệm trong việc giảm thiểu tác động lên môi trường khi đi máy bay.
Công chúng đánh giá cao bởi KML đã thực sự chung tay phát triển tương lai bền vững cho ngành hàng không.
Tại Việt Nam, với thông điệp “Flights of Love”, biến thế giới thành nơi tốt đẹp hơn, Vietnam Airlines(VNA) đã tham gia Liên minh chống rác thải nhựa, cam kết chung tay với cộng đồng trong cuộc chiến với rác thải nhựa.
Theo đó, VNA nhanh chóng chuyển đổi một số vật tư, vật phẩm trên chuyến bay làm từ nhựa, nylon sang vật liệu thân thiện với môi trường, có khả năng phân rã.
Dưới góc nhìn marketing, câu chuyện của KML hay VNA là những ví dụ sống động cho “Green Marketing” – xu hướng tiếp thị sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được nhiều doanh nghiệp trên thế giới theo đuổi, đặc biệt, khi các vấn đề môi trường đang trở nên nóng bỏng.
ĐẦU TƯ VÀO GREEN MARKETING – NÊN HAY KHÔNG?
Green Marketing hiện được các nhãn hàng ở Việt Nam và thế giới vận dụng sáng tạo và linh hoạt, từ sử dụng bao bì “xanh”, đầu tư vào quy trình tái chế sản phẩm, xử lý nước thải… đến những cam kết hành động để bảo vệ môi trường sống.
Do đòi hỏi cao về nỗ lực và chi phí vận hành, nhiều doanh nghiệp lo sợ việc áp dụng Green Marketing sẽ trực tiếp làm đội giá thành, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Tuy nhiên, khảo sát toàn cầu về trách nhiệm xã hôi của doanh nghiệp, thực hiện bởi Nielsen năm 2018, chỉ ra rằng 82% người tiêu dung nghĩ việc doanh nghiệp tham gia giải quyết và cải thiện môi trường sống là vô cùng cần thiết.
Ngoài ra, khảo sát năm 2014 của Nielsen cũng cho thấy 52% người tiêu dung sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm có cam kết trách nhiệm cộng đồng.
Điều này nghĩa là các doanh nghiệp theo đuổi Green Marketing không hề đơn độc, họ dần nhận nhiều hơn sự ủng hộ từ nười tiêu dùng do đã nhận thức về sự cần thiết của bảo vệ môi trường.
GREEN MARKETING HAY GREENWASHING
Bên cạnh thuật ngữ Green Marketing, người ta còn sử dụng Greenwashing để chỉ những thương hiệu hô hào “sống xanh” trên bề nổi, không thực hiện đúng với thông điệp đã truyền tải hoặc những gì đã cam kết.
Quan điểm, thái độ của người tiêu dùng về hiện tượng Greenwashing cũng rất rõ rang, đặc biệt với những người theo đuổi lối sống “xanh”.
Chiến dịch “Những cánh tay xanh” của chuỗi cửa hàng cà phê Highlands Coffee là một ví dụ.
Những tưởng tham gia vào trào lưu sống “xanh” giúp thương hiệu ghi điểm trong mắt cộng đồng, nhưng việc hô hào thông điệp “cắt giảm nhựa” khi vẫn ưu tiên sử dụng đồ nhựa kiến thông điệp “cùng chung tay cùng hành động” chưa thực sự thỏa đáng.
Sự thiếu trách nhiệm với những cam kết của mình chính là lý do Highlands nhận nhiều chỉ trích từ dư luận.
Hay chiến dịch “Sống xanh” của chuỗi cửa hàng Phúc Long Coffee & Tea bằng cách hô hào phân loại rác tại các ô khác nhau ở cửa hàng.
Nhưng trớ trêu thay phía dưới lại là 1 bao nylon lớn đựng chung tất cả các loại rác. Và cộng đồng đã phản ứng gay gắt cho rằng doanh nghiệp này đã lừa dối người tiêu dùng.
Điển hình có một số bình luận như: “Đây là một trò giả dối đáng xấu hổ”, “Họ lừa dối bằng những trò tinh vi khôn vặt, họ coi thường khách hàng của mình một cách ngu ngốc”.
GREEN MARKETING – THẾ NÀO MỚI ĐÚNG?
DB Export, một nhãn hiệu bia lớn của New Zealand, đã rất thành công khi khéo léo kết nối ý tưởng kinh doanh vào việc bảo vệ môi trường trong các chiến dịch của mình và nhận được nhiều giải thưởng sáng tạo.
Sau sự thành công vang dội của chiến dịch “Brewtroleum” khi chuyển một lượng lớn men dư thừa sau quá trình sản xuất bia thành xăng vào năm 2015, DB Export tiếp tục tạo ra cát từ chai bia rỗng trong chiến dịch “Beer Bottle Sand” năm 2017.
Cụ thể, bằng cách đặt những chiếc máy tái chế ở các thành phố lớn để người dùng trực tiếp tham gia vào quy trình tái chế, DB Export mang lại trải nghiệm độc đáo khi người tiêu dùng có thể bảo vệ trái đất bằng cách làm việc họ yêu thích – uống bia.
Trong khi video về chiến dịch nhận được tới 53 triệu lượt xem và 700.000 chia sẻ, DB Export cũng tăng trưởng ở cả giá trị thương hiệu lẫn thị phần, Các chuyên gia đánh giá, DB Export đã giúp người tiêu dùng nhận ra tầm quan trọng của việc mình đang làm để khuyến khích tiêu thụ với thái độ trân trọng môi trường sống.
Áp dụng khéo léo Green Marketing, DB Export thể hiện sự thấu hiểu nhu cầu cá nhân hóa trải nghiệm, đặc biệt họ mang đến cho khách hàng niềm vui khi tiêu dùng nhưng vẫn có thể cứu trái đất khỏi hiểm họa.